UBND thành phố Hà Nội “tuýt còi” lát đá vỉa hè. Nhiều quận Hà Nội hiểu sai chỉ đạo lát đá vỉa hè ồ ạt?
Vỉa hè lát bằng đá xanh trên phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) bị xuống cấp, hư hỏng dù mới đưa vào sử dụng chưa lâu – Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Các quận thay ồ ạt dù chất lượng gạch cũ vẫn tốt
Cuối năm 2016, cho rằng vật liệu sử dụng nhiều loại không đồng nhất dẫn tới mất mỹ quan, không đảm bảo độ bền và an toàn cho người dân, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận phải thay thế gạch vỉa hè đồng bộ trên toàn thành phố bằng đá xanh.
Đây là loại đá tự nhiên có kết cấu bền vững, tuổi thọ từ 50-70 năm. Mỗi mét vuông đá xanh thay thế có giá khoảng 500.000 đồng.
Các quận tự lập dự án và cân đối kinh phí để thay thế đá vỉa hè trên địa bàn quận mình. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có hơn 930 tuyến đường tại 12 quận nội thành được lát đá xanh trên vỉa hè.
Ngay sau đó, từ đầu năm 2017, hàng loạt tuyến phố đã ồ ạt tiến hành thay thế vật liệu cũ bằng đá xanh như Lê Trọng Tấn, Giải Phóng, Trần Phú, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Đại Cồ Việt, Quang Trung, Nguyễn Du, Bà Triệu…
Theo ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc thay thế gạch vỉa hè bằng đá xanh là một trong những chủ trương của Hà Nội nhằm thực hiện năm văn minh đô thị.
Tuy nhiên một số quận, huyện trên địa bàn đã hiểu sai dẫn đến những nơi vỉa hè còn tốt vẫn bỏ đi thay thế bằng vật liệu mới.
Ông Trung cho hay, sau khi phát hiện tình trạng này, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện không được phép thay thế gạch lát vỉa hè bằng đá xanh nếu chất lượng vỉa hè đang tốt.
Bảo hành năm đầu, duy tu những năm tiếp theo
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại một số khu vực trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), dù các hạng mục công trình xây dựng như ga đường sắt trên cao, trước cổng một số dự án chưa hoàn thành nhưng vẫn được hoàn thiện lát đá vỉa hè.
Ngoài ra, dù mới đưa vào sử dụng vài tháng nhưng trên phố “kiểu mẫu” Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), nhiều khu vực đã xuất hiện tình trạng đá xanh vỉa hè bị lồi lõm, nứt nẻ. Trên đường Trần Phú (quận Hà Đông) một số chỗ đá xanh cũng bị vỡ nát dù mới được thi công.
Dù được thi công chưa lâu, vỉa hè phố Trần Phú (quận Hà Đông) đã bị hư hỏng – Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Trong khi đó, trên phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm), dù đá mới được lát xong nhưng đã bị “phủ kín” ngay bởi các điểm trông giữ ô tô.
Ông Bùi Hoàng Tùng, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm, cho hay quận này là đơn vị đầu tiên thực hiện lát đá xanh vỉa hè theo chủ trương của thành phố.
Hiện ở quận Hoàn Kiếm, toàn bộ khu vực phố cổ đã hoàn thành lát đá xanh vỉa hè 79 tuyến, ngoài ra có khoảng 40 tuyến phố cũ cũng đã hoàn thành.
Theo ông Tùng, quận đã đặt ra hai yêu cầu song song khi lát đá. Thứ nhất phải đảm bảo đồng bộ việc lát đá với hạ ngầm điện, cáp viễn thông, cấp thoát nước. Thứ hai với những tuyến phố vỉa hè đang đảm bảo chất lượng, không hư hỏng nhiều thì vẫn giữ nguyên chưa thay thế lát đá.
Sau khi phát hiện ra, thành phố đã yêu cầu các quận, huyện rà soát lại ngay, tuyến nào không đảm bảo, xuống cấp mới triển khai, tuyến nào đang tốt tuyệt đối không được thay thế.
Ông Trần Việt Trung- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội
Trả lời về việc khắc phục hư hỏng vỉa hè, ông Tùng cho hay trong năm đầu tiên, đơn vị thi công phải có nghĩa vụ bảo hành, sửa chữa, thay thế mọi hư hỏng. Từ năm thứ hai trở đi quận sẽ tiếp tục duy tu, bảo dưỡng nếu có hư hỏng do nguyên nhân khách quan từ ngoại cảnh tác động.
Trong trường hợp do các đơn vị cấp thoát nước, viễn thông khi thi công mà hoàn trả mặt bằng không đảm bảo, làm hư hại, quận sẽ yêu cầu các đơn vị đó khắc phục.
Liên quan tới tuổi thọ 50-70 năm của loại đá xanh, ông Tùng cho rằng các cơ quan liên quan của thành phố đã khẳng định đảm bảo.
“Tuy nhiên điều này phụ thuộc nhiều yếu tố nữa, như đảm bảo tuân thủ quy trình thi công, ý thức giữ gìn của người dân, cơ quan khi sử dụng”, ông Tùng nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), sở đã tham mưu cho thành phố yêu cầu khi lát đá xanh vỉa hè, các quận phải làm đồng bộ, hạ ngầm xong thì mới lát đá.
Về kinh phí phục vụ lát đá, ông Hùng nói có cả ngân sách quận lẫn xã hội hóa.
“Khi lát đá thì làm đồng bộ các hạng mục khác như chiếu sáng, cây xanh. Do đó theo từng quận sẽ có cả ngân sách và có cả nhà tài trợ hỗ trợ thêm từng hạng mục khác nhau tùy quận kêu gọi được”, ông Hùng thông tin.
Copyright © 2018 DecorLAD. All rights reserved